Cách tính thời gian với Lịch vạn niên của người Việt

Cách tính thời gian với Lịch vạn niên của người Việt

07/02/2023 - Tác giả: Hằng Nguyễn
Từ xa xưa, con người sống trên trái đất đã nhận thức được thời gian qua sự vận động của các thiên thể, của Trái đất. Người ta đã biết đến thời gian hoạt động có chu kỳ lặp đi lặp lại như mùa, như ngày – đêm…

Việc có một quy ước chung về thời gian là vô cùng quan trọng để con người có kế hoạch sản xuất, gieo trồng, lên kế hoạch giao thương, hẹn gặp… Chính vì thế có rất nhiều quy tắc ghi nhận thời gian ra đời. Nếu như sau này là đồng hồ được biết đến là một cỗ máy thời gian sự chính xác cao, tỉ mỉ và tinh vi thì thời xưa, người ta ghi nhận thời gian theo lịch dựa trên đơn vị nhỏ nhất là ngày và đêm.

 

Cùng là lịch, cũng có nhiều cách tính, như lịch âm, lịch dương. Cùng là lịch âm thì mỗi quốc gia cũng có những điều chỉnh không hoàn toàn giống nhau. Chính vì vậy, Năm 2006, dư luận xôn xao khi có một khoảng thời gian lịch âm của Việt Nam sớm hơn một ngày so với lịch âm của Trung Quốc, rất nhiều người thắc mắc liệu một trong hai nước có đang tính sai lịch không? Việc này có ảnh hưởng gì không?

 

Lịch vạn niên – hiểu theo một cách đơn giản là cuốn lịch sử dụng được trong nhiều năm, nó khác với lịch vạn sự chỉ dùng được trong một năm. Lịch vạn niên được biên soạn theo chu kỳ ngày tháng năm; dựa vào các cơ sở của khoa học phương Đông như học thuyết âm dương ngũ hành, tương sinh tương khắc, kết hợp với 10 thiên can và 12 địa chi cùng cửu cung, bát quái,…

Lịch vạn niên còn có những tên gọi khác như lịch âm dương, hoàng lịch thông thư, hiệp ký lịch, vạn bảo toàn thư, tuyển trạch nhật, hiệp kỷ biện phương thư, ngọc hạp,… Vậy nguồn gốc của lịch vạn niên xuất phát từ đâu, phải chăng người Việt Nam đang sử dụng lịch âm theo người Trung Quốc?

Theo nghiên cứu của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, lịch vạn niên của Việt Nam có nhiều thay đổi y như sự biến đổi của dòng lịch sử. Theo đó, chúng ta sử dụng lịch âm của người Trung Quốc cho đến tận thời Lý Trần (1080-1300) chúng ta mới tự tính lịch riêng. Giai đoạn này, lịch của chúng ta có nhiều điểm khác biệt so với lịch của người phương Bắc, rất tiếc là hiện nay không đủ tài liệu để khôi phục lại loại lịch này. Từ đó về sau, chúng ta vẫn tự tính lịch của mình. Cũng có giai đoạn lịch của Ta và Tàu là giống nhau nhưng cũng có giai đoạn khác nhau nhiều. Sự khác nhau này đến từ phép tính lịch, sự phân chia Đàng Trong và Đàng Ngoài, chiến tranh, múi giờ,…

Cho đến hiện tại, lịch vạn niên mà chúng ta đang sử dụng xây dựng trên cơ sở các quyết định của Chính phủ về múi giờ và âm lịch sử dụng ở nước ta. Như vậy, có thể khẳng định, người Việt Nam hiện nay đang sử dụng lịch của người Việt Nam. Có thể cách tính là giống nhau, nhưng vẫn có sự khác biệt do sự chênh lệch múi giờ đem lại.

Trở lại với câu chuyện ban đầu, các chuyên gia giải thích rằng, do múi giờ của chúng ta là GMT+7, còn Trung Quốc là GMT+8 nên khi tính ngày đầu tháng (ngày không trăng, ngày sóc) thỉnh thoảng có sự khác biệt. Ví dụ, ngày 1/6 âm lịch theo giờ quốc tế bắt đầu từ 16h06 phút ngày 25/6/2006 dương lịch. Mà theo múi giờ Việt Nam thì phải cộng thêm bảy tiếng, tức 23h06 phút, vẫn nằm trong ngày 25/6 dương lịch. Còn Trung Quốc sẽ cộng thêm tám tiếng, tức 0h06 phút ngày 26/6/2006 dương lịch. Khi đó, lịch âm Việt Nam sẽ sớm hơn và nhiều hơn Trung Quốc 1 ngày vào tháng đó.

Sự khác biệt này đôi khi vẫn xảy ra, nhưng chúng thực sự không quá quan trọng, cũng không ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa nên không cần quá quan tâm. Việc của chúng ta là mua và sử dụng đúng loại lịch mà Ban lịch của nhà nước ban hành. Tránh mua các loại lịch vạn niên được dịch từ tài liệu của Trung Quốc mà không có sự tham khảo, chỉnh sửa cho phù hợp.

 Người Việt Nam ta dùng lịch vạn niên làm gì?

Công dụng lớn nhất của lịch vạn niên là chuyển đổi ngày tháng giữa âm lịch và dương lịch, tiếp đến là tra cứu ngày giờ tốt xấu, hướng xuất hành, việc nên làm và không nên làm vào ngày đó,... Khi xưa, ông cha ta phải tra cứu lịch vạn niên thông qua sách vở được lưu truyền lại. Và không phải ai cũng biết chữ để có thể tra cứu, bởi các tài liệu lưu truyền thường là chữ Nho. Nhưng với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, lịch vạn niên đã xuất hiện trên các website, ứng dụng với các tính năng tra cứu thuận tiện và dễ hiểu. Chúng còn được tích hợp nhiều tính năng như xem ngày tốt xấu, tử vi hoàng đạo, 12 con giáp, tử vi năm mới, các phong tục tập quán, văn khấn, xem tuổi vợ chồng...

Xem tuổi vợ chồng sử dụng lịch âm trong lịch vạn niên

Thuận tiện là vậy nhưng chúng ta cũng không nên quá phụ thuộc vào lịch vạn niên. Giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc là điều tốt, nhưng ngày ngày đều xem dẫn tới trở thành mê tín dị đoan thì không nên. Chỉ nên tham khảo khi tiến hành những công việc trọng đại của cuộc đời, đừng quên là đức năng thắng số, hành sự tại nhân mà thành sự tại thiên, không nên quá cưỡng cầu.

Thảm khảo: https://huyenso.com/lich-van-nien.html

 

Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về Cách tính thời gian với Lịch vạn niên của người Việt
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
0.53756 sec| 993.484 kb