ĐỒNG HỒ MOONPHASE CHỈ CHÍNH XÁC ĐẾN 122 NĂM? (PHẦN 1)
1. Tính năng Moonphase xuất hiện từ bao giờ?
Vào năm 205 TCN, cỗ máy có chứa tính năng Moonphase cơ khí lần đầu tiên xuất hiện có tên là Antikythera với xuất xứ từ Hy Lạp cổ đại. Cơ chế này cho phép hiển thị vị trí của mặt trăng, các hành tinh đã biết ở thời điểm đó, ngày của kì thế vận hội Olympic tiếp theo và ngày-tháng- năm hiện tại. Sự phức tạp của cơ chế Antikythera là vô cùng kì diệu và nó là một biểu tượng độc tôn mà không có bất cứ thứ gì có thể sánh được mãi tới hơn 1000 năm sau khi đồng hồ thiên văn ra đời.
Những chiếc đồng hồ thiên văn thường được chế tạo và đặt bên trong các thánh đường. Nó hiển thị quỹ đạo của các hành tinh đã biết và các giai đoạn mặt trăng cùng với thời gian, tháng trong năm. Được chế tạo từ thời kì phục hưng, những chiếc đồng hồ này đã đặt trái đất – biểu tượng của sự sáng tạo của đức chúa nằm ở trung tâm vũ trụ với mặt trời quay xung quanh nó. Đồng hồ thiên văn bị đẩy ra bên lề khi các nhà khoa học phát hiện ra rằng trái đất không phải trung tâm của vũ trụ – phát kiến này đã khiến cho tính năng Moonphase xuất hiện phổ biến hơn trên những chiếc đồng hồ tủ đứng của Đức và Anh ở thế kỉ 16. Phương pháp hiển thị các pha trong những chiếc đồng hồ này sẽ được giữ nguyên trong hàng trăm năm sau. Một cần chỉ bằng kim loại sẽ kết nối với kim giờ của cỗ máy làm vận hành thiết bị 59 bánh răng sau mỗi 24 giờ. Một bộ đĩa vẽ hình hai mặt trăng sẽ được kết nối với thiết bị này. Một ô cửa sổ sẽ được khoét để lộ ra một phần của đĩa mặt trăng và sẽ chỉ có một mặt trăng được lộ ra. Ở ô cửa sổ sẽ có 2 bướu lồi, nó sẽ che khuất một phần mặt trăng – miêu tả hình dạng các pha mặt trăng trên bầu trời. Bộ đĩa này mất 59 ngày để xoay để mặt trăng sẽ được nhìn thấy đầy đủ vào mỗi tháng âm lịch – khoảng 29,5 ngày. Một số đồng hồ đeo tay hiện đại còn sở hữu tới 2 ô lịch tuần trăng để hiển thị vị trí trăng ở cả hai bán cầu bắc, nam.
Sự phức tạp của tính năng Moonphase tiếp tục làm say mê các nhà sản xuất đồng hồ lẫn khách hàng khi nó đi từ đồng hồ tủ đứng đến đồng hồ bỏ túi cho đến đồng hồ đeo tay. Mặc dù tính hữu dụng của lịch tuần trăng ở thời hiện đại rất đáng ngờ nhưng nó vẫn trở thành một phần quan trọng của bộ lịch vạn niên.
2. Sự thay đổi thiết kế đồng hồ Moonphase qua từng thời kỳ
Ở thế kỉ 17, thiết kế mặt trăng được vẽ hình một đứa bé rất dễ thương với đôi má phúng phính và đôi mắt long lanh với cái tên là “Rosy Cheeked Lunar Cherubim”. Nhưng vào thế kỉ 18 và 19, hình thức đã được thay đổi, mặt trăng được vẽ hình một người đàn ông già dặn với cái tên “Man Of The Moon”. Tới những năm 1920, với phong cách Art Deco, người ta đã vẽ ra một mặt trăng đang nháy mắt. Tới năm 1950 và 1960 thì mặt trăng biến thành một đĩa được đánh bóng đơn giản, không vẽ hình. Ở thời điểm hiện tại, người ta đang rất ưa chuộng phong cách “bán thực tế”, tức là những hình dập 3D khắc họa những vết lồi lõm trên mặt trăng.