TOP 3 KỸ THUẬT TRUYỀN THỐNG NHẬT BẢN TRONG CHẾ TÁC ĐỒNG HỒ

TOP 3 KỸ THUẬT TRUYỀN THỐNG NHẬT BẢN TRONG CHẾ TÁC ĐỒNG HỒ

13/08/2019 - Tác giả: DuyanhWatch
Vẻ đẹp Á Đông đã chiếm lĩnh thế giới xa xỉ một cách đáng kinh ngạc, bằng chứng là rất nhiều nhà chế tác đồng hồ chọn các họa tiết và nghệ thuật Châu Á để tạo nên tuyệt phẩm. Và có lẽ, tinh hoa nghệ thuật Nhật Bản là những bí ẩn quyến rũ nhất trên mặt số mà tiêu biểu đó là kỹ thuật thống Maki-e, Aka-e và Shakudo.

Nội dung bài viết

1. Maki-e

 

đồng hồ seiko

Kỹ thuật Maki -e trên mặt số

 

Nhật Bản tựa một đại dương nghệ thuật với vô số các tinh hoa nghệ thuật truyền thống và các thương hiệu đồng hồ nổi tiếng bậc nhất thế giới đã nhanh chóng biến các tinh hoa này trở thành “báu vật” để những chiếc đồng hồ của họ không chỉ là chiếc máy đếm thời gian mà là những kiệt tác nghệ thuật thực sự.

Một trong số những kỹ thuật truyền thống Nhật Bản được sử dụng nhiều trên các sản phẩm đương đại phải kể đến là Maki-e. Trong tiếng Nhật, Maki-e để chỉ các họa phẩm sơn mài lấp lánh nhờ vảy bột vàng, bột bạc. Đây là kỹ thuật truyền thống đã hơn 1000 tuổi và là biểu tượng giàu sang cho vua chúa và tướng lĩnh nước Nhật từ thời Edo thế kỷ 17. Không quá khi nói rằng: Maki-e là đặc sắc hồn cốt của sơn mài Nhật và nghệ nhân - ngoài có một đôi tay thiên phú còn cần phải khổ luyện để có thể làm chủ những lớp lang áo sơn liên tiếp nhau, biết cân sắc độ màu, vảy màu, xử lý trên các chất liệu khác nhau.

Toàn bộ kỹ thuật đặc sắc này đã được rất nhiều thương hiệu tái hiện sống động trong đó phải kể đến chiếc Chopard Luc Urushi Xp “Year Of The Goat”. Đồng hồ được làm thủ công hoàn toàn với mặt số hình con dê trên thảm hoa và những đám mây cách điệu đầy màu sắc. Kỹ thuật sơn mài Maki-e truyền thống đã được các nghệ nhân Chopard sử dụng với toàn bộ mặt số đồng hồ được làm bằng cách pha màu với sơn được lấy từ nhựa cây Urushi (loại cây chỉ tìm thấy ở Nhật Bản và Trung Quốc). Bên cạnh đó sự lấp lánh trên bề mặt được tạo ra bằng cách rắc thêm bụi kim loại cùng một số chất liệu khác để tăng độ khúc xạ ánh sáng.

2. Aka-E

Đồng hồ Hermès Slim Koma Kurabé

Đồng hồ Hermès Slim Koma Kurabé

 

Một kỹ thuật độc đáo mang đậm tinh thần Nhật Bản phải kể đến tiếp theo chính là Aka-E. Trong tiếng Nhật, Aka-E có nghĩa là “bức tranh đỏ” và nghệ thuật này được tạo nên bởi thủ thuật vẽ thủ công và kết hợp những sắc thái màu đỏ và sơn nâu sau đó phủ một lớp vàng ròng tuyệt đẹp lên trên.

Chiếc đồng hồ Hermès Slim Koma Kurabé là minh chứng rõ nét nhất cho vẻ đẹp đầy sức lôi cuốn của kỹ nghệ Aka-E. Toàn bộ nghệ thuật này được khắc họa độc đáo trên mặt số đồng hồ với bức tranh tái hiện cuộc đua ngựa tại Nhật Bản cổ xưa có tên Koma Kurabé được tổ chức thường niên trong ngôi đền Kamigamo ở Tokyo. Tất cả được vẽ từ bàn tay của nghệ nhân bậc thầy Buzan Fukushima. Ông đã khéo léo tịnh tiến tinh tế màu đỏ và màu đất son rồi phủ lên chúng một lớp vàng mịn để hoàn thiện tác phẩm. Sau đó, sản phẩm được nung liên tiếp 3 lần để cố định motif và khung cảnh tái hiện sống động này.

3. Shakudo

Đồng hồ Blancpain Villeret Damascene Shakudo 

Đồng hồ Blancpain Villeret Damascene Shakudo

 

Nói đến nghệ thuật đồng hồ Nhật Bản trong chế tác đồng hồ không thể không nhắc đến kỹ thuật Shakudo. Shakudo là một hợp kim được trộn giữa vàng và đồng (đồng chiếm thành phần chủ yếu) với nước bóng màu tía - lam sẫm đặc biệt. Trong lịch sử, Shakudo được sử dụng tại Nhật Bản để làm các vật trang trí cho kiếm Katana Nhật Bản. Loại hợp kim này cũng từng được sử dụng từ thời Ai Cập, Hy Lạp và La Mã cổ đại. Và những người thợ kim hoàn thủ công ngày nay đã làm sống lại việc sử dụng Shakudo như một kiểu trang trí đầy ấn tượng, đặc biệt để tạo nên mặt số đồng hồ với màu sắc vô cùng độc đáo.

Blancpain Villeret Damascene Shakudo là mẫu đồng hồ ứng dụng linh hoạt nghệ thuật truyền thống Shakudo bằng cách sử dụng hợp kim đồng và vàng. Sau đó, mặt đồng hồ sẽ trải qua quá trình nhuộm để tạo lớp nền xanh đen huyền bí. Song hành với kỹ thuật Shakudo còn là ứng dụng của kỹ thuật nạm độc đáo, gắn những sợi chỉ vàng, chạm khắc nổi bằng tay để tạo nên bức tranh vị thần Ganesh sống động và tinh tế.


Xem thêm10 mẫu đồng hồ sáng tạo bậc nhất trong lịch sử chế tác


Như vậy, giá trị của mỗi tạo tác không chỉ nằm ở thiết kế ấn tượng, tính năng vượt trội mà còn là kỹ thuật truyền thống điêu luyện. Điều đó, khiến cho những kỹ thuật truyền thống Nhật Bản chiếm một vị trí quan trọng trong ngành chế tác đồng hồ.

Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về TOP 3 KỸ THUẬT TRUYỀN THỐNG NHẬT BẢN TRONG CHẾ TÁC ĐỒNG HỒ
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
0.48152 sec| 994.383 kb