HÉ LỘ ĐIỀU ÍT AI BIẾT VỀ ĐỒNG HỒ THỤY SỸ
1. Điểm qua tác động cuộc khủng hoảng thạch anh đối với đồng hồ Thụy Sỹ
Có lẽ, sức mạnh của một thương hiệu không chỉ đo đếm bằng chất lượng, lịch sử lâu đời, những phát minh tiên phong mà còn là khả năng vượt qua những cơn khủng hoảng ảnh hưởng bởi những sự kiện kinh tế chính trị thế giới. Là đất nước có nền tảng phát triển đồng hồ lâu đời, Thụy Sỹ cũng không tránh khỏi những cuộc cách mạng tư sản bùng nổ mạnh mẽ ở châu Âu vào thế kỉ 16 cho đến chiến tranh thế giới ở cuối thế kỉ 19 đầu 20; sau đó là sự sụp đổ của phố Wall trong cuộc khủng hoảng thừa thập niên 20 -30 của thế kỉ 20; đặc biệt với sự phát triển của khoa học công nghệ….điều này thách thức đồng hồ Thụy Sỹ phải thay đổi để thích nghi được với hoàn cảnh mới.
Từ những năm 1960 phát hiện khả năng dao động điện tử của tinh thể thạch anh theo một tần số nhất định khi có dòng điện chạy qua, các hãng đồng hồ Thụy Sỹ đã bắt tay vào nghiên cứu phát triển công nghệ thạch anh trên đồng hồ đeo tay song hành cùng các bộ máy kim khí. Tuy nhiên không riêng gì Thụy Sỹ, Nhật Bản và Mỹ cũng có những thành công tương tự với đồng hồ thạch anh và cuộc khủng hoảng mang tên “thạch anh” lớn nhất trong lịch sử đồng hồ Thụy Sỹ đã diễn ra trong suốt thập kỉ 70 của thế kỉ trước. Dù dẫn đầu về công nghệ nhưng những nhà sản xuất Thụy Sỹ không tính được yếu tố giá thành cho sản phẩm thạch anh, bởi “ngủ quên trên chiến thắng” họ luôn nghĩ đồng hồ Thụy Sỹ vẫn là đắt đỏ nhất, tốt nhất . Trong khi đó, các công ty Nhật Bản liên tục sản xuất ra những chiếc đồng hồ thạch anh với độ chính xác gần như tuyệt đối và giá thành cực rẻ đã nhanh chóng biến thời kì thịnh vượng của đế chế đồng hồ Thụy Sỹ lui về với quá khứ để đồng hồ Nhật lên ngôi. Sự “hạ bệ” này đã giáng một đòn chí tử cho nền công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ. Theo thống kê, chỉ 10 năm từ 1973 đến 1983 hơn 65% công nhân trong số 90.000 người làm trong ngành đồng hồ Thụy Sỹ bị mất việc làm, hơn 1.000 nhà sản xuất bị đóng cửa. Năm 1980, SSIH không còn khả năng trả lương cho nhân viên và phải xin những khoản vay từ ngân hàng và cho đến năm 1983 buộc phải sát nhập với đối thủ ASUAG (liên minh các hãng đồng hồ nói tiếng Đức) và đánh dấu sự ra đời của SMH (tiền thân của Swatch).
2. Người “hồi sinh” đồng hồ Thụy Sỹ là ai?
Điều thú vị là một ngành công nghiệp có giá trị trung bình xuất khẩu 1 chiếc đồng hồ 700 USD/chiếc lại được khôi phục nhờ một người nước ngoài và từ một thương hiệu đồng hồ có giá trung bình dưới 100 USD/chiếc, đó là tập đoàn Swatch. Nicolas Hayek là một doanh nhân người Liban, lúc đó đang là chủ công ty Hayek Engineering, sau trở thành CEO của SMH (sau là Swatch Group), người đã đưa ra nhiều ý tưởng, đặt lên bàn đàm phán đồng vốn của mình để thuyết phục hàng loạt ngân hàng và nhà đầu tư ra tay cứu vớt ngành công nghiệp đồng hồ đang hấp hối của Thụy Sĩ.
Trên cơ sở đó, Nicolas Hayek muốn những thiết kế mới của đồng hồ Thụy Sỹ phải phù hợp với mục tiêu: “Chất lượng cao, giá thấp, có tính khiêu khích, phá cách và tràn niềm vui sống”. Ông cũng khẳng định rằng người tiêu dùng mua đồng hồ không chỉ để xem giờ mà còn mang lại cảm xúc thật sự dựa trên cái nhìn đầu tiên, từ đó họ sẽ quyết định có nên mua hay sưu tập cho bằng được hay không. Từ đây, chiến lược phát triển của Swatch Group là giữ lại những thương hiệu đồng hồ nổi tiếng trước kia, song song với đó là xây dựng thương hiệu Swatch hướng đến đối tượng giới trẻ có giá thành hợp lý, sao cho có sức hút ngay cả khi khách hàng đó đã trưởng thành và giàu có. Bên cạnh đó, Nicolas Hayek cũng xây dựng chiến lược quảng cáo vô cùng ấn tượng cho thương hiệu Swatch. Điển hình là hình ảnh chiếc đồng hồ Swatch khổng lồ 150m với thông điệp bằng tiếng Đức đặt tại tòa nhà cao nhất thành phố, thuộc quyền quản lý của ngân hàng Commerzbank ở Frankfurk.
Với sự thay đổi chiến lược này, đến năm 1996 Swatch đã tiêu thụ được 200 chiếc đồng hồ. Các thương hiệu như Breguet, Blancpain, Omega, Longines, Rado, Tissot và Calvin Klein, lần lượt được tập đoàn Swatch thâu tóm và phát triển, trong đó Omega trở thành tài sản đắt giá nhất khi mang lại 34% doanh thu và 46% tổng lợi nhuận của tập đoàn. Tập đoàn Swatch được định giá 328 triệu CHF kể từ khi Nicolas Hayek dẫn dắt, thì năm 2015 có doanh thu hơn 9,5 tỷ USD và công ty được định giá 23,9 tỷ USD.
Ẩn sâu bên trong vẻ ngoài hào nhoáng và được gắn mác “đắt đỏ” của các mẫu đồng hồ Thụy Sỹ là cỗ máy bền bỉ, chính xác, thiết kế sang trọng. Tất cả những yếu tố đó tạo nên một kiệt tác thời gian thực thụ của nhân loại và xứng đáng được nâng niu với tất cả tình cảm ngưỡng mộ. Câu chuyện về sự “hồi sinh” của đồng hồ Thụy Sỹ mà Duy Anh Watch chia sẻ trên đây là bài học về sự kiên trì, nỗ lực, sáng tạo, dám nghĩ dám làm và dám thay đổi để thành công. Và chắc chắn một điều, đồng hồ Thụy Sỹ vẫn luôn là thương hiệu đồng hồ số 1 được các khách hàng trên thế giới tin tưởng lựa chọn.