ĐỒNG HỒ ĐÁ – DÙ KHÔNG CÓ MÁY MÓC VẪN CHẠY CHÍNH XÁC

ĐỒNG HỒ ĐÁ – DÙ KHÔNG CÓ MÁY MÓC VẪN CHẠY CHÍNH XÁC

04/06/2018 - Tác giả: DuyanhWatch
 Bạn đã quá quen thuộc với đồng hồ pin, đồng hồ cơ, thậm chí đồng hồ chạy bằng năng lượng ánh sáng. Vậy còn đồng hồ làm từ đá bạn đã nghe thấy bao giờ chưa? Điều đặc biệt là dù không có máy móc nhưng chiếc đồng hồ này vẫn “chạy” chính xác.

1. Đồng hồ đá và nguồn gốc


 

xuất xứ của đồng hồ đá



Mảnh đất Bạc Liêu không chỉ nổi tiếng với bản Dạ cổ hoài lang hay về giai thoại công tử Bạc Liêu với những kiểu ăn chơi khét tiếng miền Tây. Bạc Liêu còn được biết đến như là nơi lưu giữ được một bảo vật độc nhất vô nhị của Việt Nam, đó là chiếc đồng hồ đá Thái Dương - đồng hồ mặt trời đã trên 100 năm tuổi. Đồng hồ đá Thái Dương do Lưu Văn Lang- một nhà khoa học người Việt tài ba, thiết kế và xây dựng đầu thế kỷ XX tại Bạc Liêu làm quà tặng tỉnh trưởng Bạc Liêu trong thời Pháp thuộc.

 

2. Dù có tuổi đời trên 100 năm đồng hồ vẫn “chạy” tốt

 

lịch sử đồng hồ đá



Không giống như những đồng hồ hiện nay chạy bằng cơ hoặc pin hoặc là do sự chuyển hoá năng lượng ánh sáng, chiếc đồng hồ đá Thái Dương là loại đồng hồ dùng ánh nắng mặt trời chiếu vào để chỉ thời gian. Chiếc đồng hồ này hiện vẫn còn chạy chính xác đến kinh ngạc sau trên 100 năm hoạt động, với sai số dao động không quá 2 phút/1 năm.

 Theo Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, ngày xưa  Trung Quốc đã phát minh ra đồng hồ nước, sau đó là đồng hồ cát. Đến thế kỷ XV, người phương Tây mới chế tạo thành công đồng hồ máy chạy bằng dây thiều (dây cót), đồng hồ quả lắc... Tuy nhiên, đồng hồ đá “chạy” bằng ánh mặt trời thì có lẽ chỉ duy nhất có ở Việt Nam.

 

lịch sử đồng hồ đá



 Đồng hồ đá Thái Dương rất đặc biệt, được xây bằng gạch và xi măng, không dùng bất kỳ loại máy móc nào. Mặt chính của đồng hồ được đặt hướng về phía Đông. Trên bề mặt đồng hồ kẻ 12 chữ số La Mã, phân định đều nhau; giữa mặt đồng hồ xây một cái gờ nhô lên. Cái gờ này giới hạn ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào các con số. Phần ánh sáng mặt trời không chiếu trực tiếp vào có màu tối, phần còn lại có màu sáng rõ hơn (do mặt trời trực tiếp chiếu). Nơi tiếp giáp giữa hai màu đó là điểm giờ trong ngày. Sáng sớm, mặt trời vừa mọc thì rọi ngay số 7; mặt trời dần cao đến độ nào thì bóng rọi dần lên các con số chỉ giờ, cho đến khi đứng bóng thì chỉ đúng số 12. Trời trở về chiều, bóng lại nghiêng theo đúng thứ tự thời khắc. Đến khi bóng hạ dần tới bậc tam cấp thấp nhất thì mặt trời đã lặn.

 

lịch sử đồng hồ đá



Tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, phần “Lý lịch di tích đồng hồ đá” ghi rõ: “Hồi đó, không chỉ những ông phán, ông huyện ghé vào nơi đặt đồng hồ đá xem giờ trước khi vào trình giấy cho tỉnh trưởng mà nghe đâu cả các ông quan ba, quan năm của Pháp đôi lúc cũng ghé xem để vặn lại dây cót cái đồng hồ Tây của mình lại cho chuẩn”.


 Chiếc đồng hồ đá Thái Dương hiện nay được xác nhận là một di tích lịch sử - văn hóa rất độc đáo, cần quảng bá, phát huy cho thế hệ sau tham quan, nghiên cứu. Mặc dù, có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa nhưng nó đang dần bị lãng quên, ít ai biết đến. Hiện nơi đặt chiếc đồng hồ bị hàng rào sắt cao, to bao bọc xung quanh và cỏ cây che hết ánh nắng mặt trời. Chiếc đồng hồ đang bị rêu phong do mưa nắng làm mờ dần các gờ phân chia thời gian. Cách nơi đặt đồng hồ khoảng 10m có một cái cổng nhưng luôn trong tình trạng cửa đóng then cài.

Đánh giá - Bình luận
0 bình luận, đánh giá về ĐỒNG HỒ ĐÁ – DÙ KHÔNG CÓ MÁY MÓC VẪN CHẠY CHÍNH XÁC
Nhấn vào đây để đánh giá
Thông tin người gửi
0.16983 sec| 992.5 kb