LONGINES ULTRA CHRON - SỰ RA ĐỜI VÀ MỤC ĐÍCH
Nội dung bài viết
1. Bối cảnh ra đời đồng hồ tần số dao động cao
Thuật ngữ đồng hồ tần số dao động cao hay còn gọi là High- beat là thuật ngữ chỉ những chiếc đồng hồ đeo tay có tần số dao động lớn hơn 21 600 VPH mà phổ biến là những cỗ máy thời gian có tần số dao động 28 800 VPH và 36 000 VPH. Những chiếc đồng hồ có tần số dao động cao được tạo ra với mục đích nâng cấp độ chính xác về thời gian với sai số vô cùng nhỏ.
Trong thập niên 60-80 của thế kỷ trước, thuật ngữ này được sử dụng phổ biến mặc dù để có được một chiếc đồng hồ tần số dao động cao sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro và đòi hỏi chi phí cao kết hợp công nghệ tiên tiến. Đương nhiên, chỉ những hãng đồng hồ lớn có kinh nghiệm, trình độ chế tác bậc cao mới dám tham gia vào cuộc đua này, điển hình là Girard Perregaux, Zenith, Zodiac, Seiko và Longines….
Vào năm 1965, Girard Perregaux đã nổ phát súng đầu tiên khi công bố các dòng sản phẩm có tần số dao động lên đến 36 000 VPH dẫn đến một cuộc đua tranh giữa các hãng đồng hồ lớn với nhau buộc Longines, Seiko, Zenith phải tung ra các sản phẩm tương tự vào thời gian cách đó không lâu. Và một trong những huyền thoại được nhắc tại thời điểm đó chính là Longines Ultra Chron.
2. Tìm hiểu chi tiết về Longines Ultra Chron
Năm 1967, nhân dịp kỷ niêm 100 năm ra đời, Longines - hãng đồng hồ lừng danh Thụy Sỹ đã cho ra mắt đồng hồ tần số cao Hi-Beat, cụ thể là 36 000 VPH - ngang bằng với chiếc đồng hồ tần số dao động cao đầu tiên của Girard Perregaux và đó chính là Longines Ultra Chron đầu tiên. Đây là một trong những chiếc đồng hồ tần số 36 000 VPH xuất hiện sớm nhất tên thị trường - cùng thời điểm với Seiko Lord Marvel.
Để có được tần số dao động cao đến vậy, bánh xe thoát đã được bổ sung lên 21 răng thay vì 15 răng như máy thường. Ổ cót cũng làm dày hơn, to hơn để có thể cung cấp đủ năng lượng. Nếu so với những chiếc đồng hồ Girard Perregaux trước đó, với khả năng trữ cót kém thì nhiều người nhận định rằng, Longines là hãng đầu tiên phát hành ra một chiếc đồng hồ Hi-Beat có tính thực tế cao.
Việc duy trì đồng hồ chạy ở tần số rất cao đã dẫn tới một hậu quả là các chi tiết nhanh hao mòn hơn, do ma sát bị đẩy lên cao, do vậy đòi hỏi phải bổ sung thêm chất bôi trơn, bảo dưỡng thường xuyên hơn. Giải pháp của Longines là sử dụng loại chất bôi trơn khô, có tên gọi là Molybdenum bi-sulfide.
Khi mới ra mắt, longines đã quảng cáo rằng, chiếc đồng hồ Ultra Chron của họ là chiếc đồng hồ có độ chính xác cao nhất thế giới, có thể giữ giờ rất tuyệt vời và sai lệch chỉ 1 phút/tháng, tức là khoảng 2 giây/ ngày. Một số cỗ máy cao cấp đã được sử dụng trong Ultra Chron trong thời gian 9 năm sản xuất, bao gồm Cal.430 (kim giây trung tâm), Cal.431 (kim giây trung tâm kèm lịch ngày), Cal.432, Cal.433 và một số máy lên dây cót tay như Cal.6952, Cal.6972. Các loại máy sau này như Cal.6651, Cal.6652 chạy ở tần số 28.800 VPH chậm hơn nhưng vẫn có dòng chữ Ultra Chron trên mặt số.
Khoảng cuối thập niên 60 đến đầu thập niên 70, sự lên ngôi của công nghệ thạch anh với sự chính xác gần như tuyệt đối chỉ khoảng 0,5 giây/ngày đã khiến cho cuộc đua tranh đồng hồ tần số dao động cao không thể phát triển mạnh. Sau cuộc khủng hoảng đồng hồ thạch anh, Longines Ultra Chron đã chính thức ngừng sản xuất.
Dù hiện nay Longines Ultra Chron đã là những gì thuộc về dĩ vãng thế nhưng nó đã từng là huyền thoại được ca tụng, là sản phẩm hấp dẫn khi kết hợp giải pháp kỹ thuật tiên tiến, kỹ năng chế tác điêu luyện của một thương hiệu danh tiếng dám đương đầu với những thách thức mới.