TỔNG HỢP KIẾN THỨC VỀ VỎ ĐỒNG HỒ
Nội dung bài viết
1. Case đồng hồ là gì?
Case đồng hồ có thể được hiểu đơn giản là vỏ đồng hồ. Đây là bộ phận để bạn đặt toàn bộ bộ máy đồng hồ, mặt số cùng lớp kính bảo vệ bên trên làm thành một khối hoàn chỉnh. Dù được thiết kế dưới nhiều hình dạng, chất liệu, màu sắc khác nhau nhưng nhiệm vụ chính của vỏ đồng hồ là bảo vệ bộ máy khỏi nước, ẩm, bụi, … đồng thời tạo nên phong cách, tính thẩm mỹ của đồng hồ. Vỏ đồng hồ sở hữu các thông số khác nhau như size hay số vỏ máy.
- Size đồng hồ được dùng để chỉ đường kính mặt đồng hồ ,có tính vành đồng hồ nhưng không tính núm đồng hồ. Các thông số về size đồng hồ cung cấp cho người dùng thông tin để có thể lựa chọn được chiếc đồng hồ phù hợp với cổ tay của chính mình.
- Số vỏ máy được biết đến là dãy mã số in trên vỏ đồng hồ của từng hãng. Mỗi dãy số hiển thị cho một vỏ máy riêng biệt và có thể được sử dụng để tra cứu xem đồng hồ này có phải chính hãng không.
Vỏ đồng hồ được tạo nên từ hai bộ phận chính là khung vỏ đồng hồ và nắp lưng (case back). Khung vỏ là bộ phận trung tâm của case đồng hồ, thông thường nó được đúc thành một khối bởi một chất liệu khác nhau tùy theo thiết kế của hãng. Nắp lưng (case back) là bộ phận ở mặt sau và được lắp vào khung vỏ đồng hồ, nó giúp các thợ đồng hồ có thể can thiệp vào bộ máy mà không cần tháo hết vỏ ra.
Các loại nắp lưng đồng hồ:
+ Nắp vặn: là loại nắp lưng có khả năng chống nước, chống sốc tốt nhất trong đồng hồ hiện nay. Loại nắp này sử dụng cơ chế vặn ren ở phí sau ăn khớp với thân đồng hồ.
+ Nép ép: loại nắp này sử dụng áp suất để đóng kín đồng hồ. Giữa phần nắp lứng và thân đồng hồ có rãnh nhỏ để có thể mở nắp ra theo nguyên tắc đòn bẩy.
+ Nắp ốc: loại nắp lưng này được cố định vào thân đồng hồ bằng những vít nhỏ, chắc chắn.
2. Lịch sử ra đời case đồng hồ
Những mẫu case đồng hồ đầu tiên xuất hiện với những mẫu đồng hồ bỏ túi có dây đeo đi kèm. Thời kì này, người ta chưa quan tâm đến thẩm mỹ của case đồng hồ. Sau đó, khi những mẫu đồng hồ đeo tay trở nên phổ biến hơn thì những mẫu case mới dần được phát triển phong phú, đa dạng hơn. Tuy nhiên vỏ đồng hồ trong giai đoạn này mới chỉ đơn thuần để bảo vệ bộ máy bên trong. Cho đến năm 1950, những vòng bezel được gắn trên case của những mẫu đồng hồ lặn hay chronograph thì từ đó các mẫu case đồng hồ còn thực hiện được nhiều chức năng hơn. Cho đến nay, muôn loại case đồng hồ đã được thiết kế ra với đủ mọi loại kích thước, độ dày mỏng, chức năng, chất liệu, … để phục vụ tối đa cho người sử dụng.
3. Các chất liệu để làm nên case đồng hồ:
Do nhu cầu về độ cứng, độ bền, khả năng chống ăn mòn, … của người dùng tăng lên nên những chất liệu để làm ra vỏ đồng hồ cũng vô cùng phong phú.
+ Chất liệu thép không gỉ 316L: đây là loại chất liệu khá thông dụng cho cả case lẫn dây đồng hồ. Nó đáp ứng được nhiều yếu tố như độ bền bỉ, không gỉ, dễ đánh bóng lại , … và sở hữu một mức giá thành vừa phải.
+ Chất liệu mạ vàng: vỏ đồng hồ loại này được phủ một lớp vàng (hoặc hợp kim có màu vàng) ra bên ngoài phần lõi kim loại (chủ yếu là thép không gỉ) để gia tăng thêm độ cứng, sự sang trọng cũng như khả năng chống trầy xước của chất liệu làm lõi bên trong.
+ Chất liệu Ceramic: hay còn gọi là sứ. Trên đồng hồ Ceramic thường là hợp chất của zirconium đã qua xử lý nhiệt. Ceramic có trọng lượng nhẹ, rất cứng và khó bị trầy xước nên hay được dùng để làm vỏ, vành bezel, ….
+ Chất liệu vàng: vàng là vật liệu có khả năng kháng ăn mòn rất cao, tuy nhiên lại dễ bị trầy xước và độ cứng thấp. Thông thường người ta hay sử dụng vàng 18K (vàng trắng, vàng hồng) để làm nên lớp vỏ đồng hồ. Chất liệu này mang đến vẻ sang trọng, cao cấp cho các mẫu đồng hồ.
+ Chất liệu Titanium: Titanium là hợp kim siêu nhẹ, siêu bền, sở hữu độ cứng gấp 6 lần nhôm với khả năng chống trầy xước tốt và chịu được những điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Với những ưu điểm này, nó là loại vật liệu khá được ưa chuộng hiện nay.
Mỗi loại chất liệu case đồng hồ đều sở hữu những ưu điểm khác nhau. Việc nắm được những điều này sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong quá trình lựa chọn đồng hồ phù hợp với mục đích sử dụng của bản thân.