SO SÁNH MIDO COMMANDER II BIG DATE VÀ TISSOT CHEMIN DES TOURELLES - LỰA CHỌN DRESSWATCH CHO CỔ TAY LỚN
1. So sánh về thiết kế 2 mẫu đồng hồ Tissot và Mido
Nếu như bộ sưu tập Commander được ví như “vị tướng dũng mãnh” của Mido thì Chemin des Tourelles cũng không hề kém cạnh khi là dòng sản phẩm đồng hồ Dress Watch size lớn thành công nhất của hãng với tên gọi gợi nhớ đến con phố nơi đặt nhà máy đầu tiên của Tissot. Đây là những dòng sản phẩm đầu bảng của cả hai thương hiệu, có doanh số cũng như độ phổ biến
đứng thứ hai chỉ sau các con át chủ bài là Le Locle và Baroncelli.
Vậy giữa phiên bản Commander II Big Date và Chemin Des Tourlles, bạn sẽ lựa chọn phiên bản nào? Hãy đi vào chi tiết so sánh hai mẫu để biết được sự lựa chọn phù hợp.
Trong vai trò Dress Watch, hai “ứng cử viên” đều phô bày vẻ đẹp cổ điển và lịch lãm. Nếu như Mido thể hiện phong cách bằng dáng vẻ có phần khỏe khoắn, cứng cáp hơn thì Tissot lại thanh lịch hơn với những đường cong mềm mại hơn. Dù đều mang “diện mạo” tròn trịa có cấu tạo bộ ba kim trung tâm và lịch ngày thế nhưng thiết kế của mỗi phiên bản đều thể hiện sắc thái rất riêng.
Đồng hồ Tissot có thiết kế nghiêng về hướng cổ điển của những chiếc đồng hồ thanh lịch truyền thống với kim giờ, kim phút dạng bút chì, kim giây mảnh và đều được hoàn thiện bóng, vát cạnh đối xứng nhằm tạo hiệu ứng bắt sáng. Trong khi đó, đồng hồ Mido lại có thiết kế chịu ảnh hưởng đôi chút của đồng hồ thể thao sang trọng với bộ kim cứng cáp, đầy sức mạnh được tích hợp dạ quang hỗ trợ nhìn đêm. Kiều thiết kế này cũng được Mido ứng dụng cho bộ cọc số tạo nên một tổng thể liền mạch và hài hòa.
Tương tự như vậy, Tissot cũng đề cao tính đồng nhất trên chiếc Chemin của mình. Để tăng thêm tính sang trọng cho sản phẩm, hãng đồng hồ đến từ Le Locle đã bổ sung thêm 4 cọc số La Mã đối xứng nhau. Ngoài ra, Tissot còn sử dụng vân Guilloche Clous des Paris ở vòng tròn bên ngoài đối lập với vân Satin bóng ở phần trung tâm, tạo nên kiểu thiết kế Sector Dial. Ngược lại Mido sử dụng vân Satin cho toàn bộ mặt số.
Khi quan sát kỹ mặt số, bạn sẽ thấy ngay điểm khác biệt nằm ở tính năng lịch ngày cùng bố trí tại góc 6h. Với Tissot, lịch ngày được thiết kế vô cùng đơn giản trái ngược hẳn với sự ấn tượng kiểu Big Date mà Mido đem đến. Phải thừa nhận rằng, thiết kế lịch dạng lớn của Mido vô cùng đặc biệt và phức tạp được thiết lập thông qua hai đĩa hoạt động bằng cơ chế chuyển động ngược chiều độc đáo.
Đối với phần phom vỏ, hai mẫu đều được chế tác rất mạnh mẽ với cách kết hợp hoàn thiện bóng và phay xước hài hòa. Tuy nhiên, nếu như mẫu Chemin de Tourelles có bezel cong ba chiều và phần thân phẳng thì bezel của Commaner chỉ cong hai chiều nhưng khi nhìn nghiêng bạn sẽ liên tưởng ngay tới chân đế củatháp Eiffel rất đẹp.
Dù có thiết kế hoàn toàn khác nhau thế nhưng hai “đứa con cưng” của hai thương hiệu đều mê hoặc bởi chất liệu kính sapphire, dây da dập vân cá sấu, thép không gỉ 316L mang những ưu điểm nổi trội. Bên cạnh đó, hai mẫu đồng hồ đều có cùng kích cỡ 42mm - một kích thước khá lớn so với Dress Watch truyền thống thường chỉ dưới 40mm. Với những người có cổ tay lớn, chu vi từ 17-18cm trở lên thì đây lại là lựa chọn tuyệt vời. Chiếc đồng hồ với kích thước này sẽ thực sự nổi bật mà vẫn giữ nguyên được phong cách sang trọng, lịch lãm, điều mà các mẫu thể thao cùng kích thước không thể làm được. Nói đến đường kính thì không thể không nói đến độ dày, trong khi chiếc Tissot có độ dày 10.89mm thì chiếc Mido có độ dày 11,97mm. Những kích thước này hài hòa với đường kính và cũng rất thích hợp cho những người có cổ tay lớn.
2. So sánh về bộ máy
Phải thừa nhận rằng, Commander II Big Date và Chemin des Tourlles và Comman đều xứng đáng trở thành sản phẩm đại diện cho mỗi thương hiệu khi được trang bị những bộ máy tinh hoa chế tác của thương hiệu. Nếu như ở mẫu Mido vận hành bởi bộ máy cơ Caliber 80 (phát triển dựa trên ETA C07.651) nổi tiếng của hãng thì Tissot cũng không hề kém cạnh khi trang bị bộ máy Powermatic 80 (phát triển dựa trên ETA C07.111) đình đám. Cả hai bộ máy này đều vận hành chính xác, đồng bộ, bền bỉ, ít phải bảo dưỡng và đặc biệt là khả năng dự trữ cót đều lến đến 80 tiếng - gấp đôi thời gian trữ cót của những mẫu đồng hồ cơ thông thường. Để có được thời lượng trữ cót cao như vậy cả hai bộ máy được điều chỉnh giảm tần số giao động xuống còn 3Hz.
Dù movement máy có đặc điểm khá tương đồng thế nhưng máy của Mido vẫn được đánh giá ở đẳng cấp cao hơn. Các chi tiết máy được hoàn thiện tinh xảo hơn với vân Geneva cao cấp, trong khi cỗ máy của Tissot chỉ được hoàn thiện bằng vân sóng. Điều này cũng dễ hiểu vì Mido là thương hiệu rất chú trọng về bộ máy dù bản chất vẫn là máy của ETA. Theo các diễn đàn uy tín thì Caliber 80 của Mido cũng cho hiệu năng tích cót cao hơn Powermatic 80 của Tissot, qua đó thì cót sẽ dễ dàng được nạp đầy hơn.
Trong hai mẫu đồng hồ trên, bạn sẽ lựa chọn phiên bản nào đồng hành cùng bản thân trong chặng đường sắp tới!