5 THÓI QUEN NHANH CHÓNG “KẾT LIỄU” ĐỒNG HỒ CỦA BẠN
1. Sử dụng đồng hồ không đúng theo hướng dẫn sử dụng
Đây là thói quen thường diễn ra với những người mới chơi/ mua đồng hồ. Khi mua được đồng hồ hay vật dụng gì mới đều có tâm lý muốn khám phá xem thứ mình đang sở hữu như thế nào. Thế là bạn ngồi mò mẫm, nghiên cứu về cơ chế hoạt động của bộ máy đồng hồ. Tuy nhiên, vì không có kiến thức cơ bản về đồng hồ (đặc biệt là những chiếc đồng hồ có nhiều tính năng phức tạp) cũng như không tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng, khiến cho đồng hồ rơi vào tình trạng “hoảng loạn”.
Rồi có bạn còn khám phá đồng hồ thể thao bằng cách vừa kéo núm điều chỉnh ngày/ giờ vừa bấm nút đếm thời gian (chức năng có trên đồng hồ chronograph). Sau một hồi khám phá, đồng hồ chạy loạn lên một lúc rồi sau đó chạy lại như bình thường. Nếu bạn rơi vào trường hợp này thì nên dừng lại nhé, đồng hồ cũng như con người, chúng ta không thể cùng 1 lúc dùng 1 tay vẽ hình tròn và 1 tay vẽ hình vuông được. Muốn tìm hiểu về chiếc đồng hồ mới mẻ với nhiều tính năng hấp dẫn mà bạn đang sở hữu bạn nên đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng; hoặc có thể liên hệ trực tiếp với đại lý bán hàng để được nhân viên chăm sóc khách hàng hướng dẫn, giải đáp cụ thể; tránh tình trạng “nghịch dại” rồi không cứu chữa lại được.
2. Cất đồng hồ nơi có từ trường và nhiều vật dụng khác
Thói quen của chị em phụ nữ khi về đến nhà là tháo đồng hồ quẳng vào túi xách lẫn với nhiều vật dụng khác nhau, hoặc là cất đồng hồ cùng các thể loại vòng vèo trang sức. Đây là thói quen không tốt và không nên, các chị em phụ nữ nên hết sức lưu ý khi chăm sóc, bảo quản cho chiếc đồng hồ của mình. Muốn đồng hồ không bị trầy xước, không bị ẩm mốc (đối với dây da), mặt kính vẫn luôn sáng bóng thì nên tạo cho mình thói quen cất đồng hồ riêng, dùng vải mềm để bọc, tránh xô xát gây xước, làm mất thẩm mỹ của chiếc đồng hồ.
Thói quen của cánh mày râu, đó là khi đi làm về đến nhà sẽ để 1 combo bao gồm: đồng hồ, ví, điện thoại… lên kệ để tivi hoặc tủ lạnh, máy tính – nơi có từ trường cao. Việc để đồng hồ gần những thiết bị này sẽ làm cho đồng hồ bị nhiễm từ và khi bị nhiễm từ nặng, khắc phục tình trạng này rất khó khăn, bạn sẽ cần phải mang chiếc đồng hồ đến trung tâm bảo hành để các chuyên gia đồng hồ xử lý.
3. Đeo đồng hồ mọi lúc mọi nơi, kể cả khi chơi thể thao
Nếu bạn đeo một chiếc đồng hồ chronograph để tham gia các hoạt động thể thao thì đó là chuyện bình thường (vì chiếc đồng hồ đó được thiết kế cũng như có tính năng phù hợp với hoạt động thể thao). Tuy nhiên, đối với các phiên bản đồng hồ khác (ngoài đồng hồ chronograph) thì không nên đeo khi chơi thể thao.
Thói quen đeo đồng hồ mọi lúc mọi nơi, kể cả lúc chơi thể thao là thói quen không tốt và rất dễ làm cho đồng hồ hư hại. Chơi thể thao hoặc các hoạt động mạnh, sẽ khiến cho đồng hồ “sang chấn tâm lý” ảnh hưởng đến cơ chế hoạt động của cỗ máy bên trong. Đeo đồng hồ một vài lần khi chơi thể thao thì không sao, nhưng nếu đeo thường xuyên sẽ dẫn đến việc sai số ngày càng lớn làm sai lệch thời gian. Tốt nhất bạn nên tháo đồng hồ ra, để chơi thể thao cho thoải mái hơn cũng như giữ gìn được chiếc đồng hồ của mình.
4. Tùy hứng lên dây cót/ chỉnh lịch cho đồng hồ
Đeo đồng hồ cơ dễ mà không dễ chút nào đâu các bạn nhé. Bạn cần am hiểu một chút kiến thức về đồng hồ cơ để sử dụng cho tốt hơn. Nhiều bạn khi đeo đồng hồ cơ, có thói quen phát hiện ra đồng hồ chạy chậm/ nhanh thế là vội vàng điều chỉnh lại. Tuy nhiên, bạn không nên điều chỉnh lịch của đồng hồ vào các khoảng thời gian lịch tự động nhảy; thời gian điều chỉnh tốt nhất trong khoảng 8h đến 11h sáng.
Về vấn đề lên dây cót, bạn cũng không nên tùy tiện lên dây cót cho đồng hồ, thích lên cót lúc nào thì lên. Bạn nên có thời lượng căn chỉnh (tự đề ra cho mình khoảng thời gian căn chỉnh hàng ngày), đừng ép đồng hồ nạp năng lượng khi vẫn còn năng lượng; điều này sẽ khiến đồng hồ phải hoạt động nhiều hơn.
5. Sử dụng đồng hồ khi trời mưa
Như các bạn đã biết, trên thế giới không có chiếc đồng hồ nào chống nước một cách tuyệt đối, chỉ có những chiếc đồng hồ có mức độ chịu nước khác nhau, tùy vào thiết kế và tính năng của chiếc đồng hồ đó. Nhiều bạn chủ quan thường đeo đồng hồ dầm mưa, làm cho nước vào trong bộ máy, gây hỏng hóc. Trong nhiều bài viết trước của đồng hồ Duy Anh đã hướng dẫn, giới thiệu các bạn cách bảo vệ, sử dụng đồng hồ khi gặp nước, cũng như mức độ chịu nước của từng chiếc đồng hồ. Vì thế, trong bài viết này chúng tôi khuyên các bạn không nên có thói quen thường xuyên đeo đồng hồ dầm mưa, hạn chế đồng hồ tiếp xúc với nước để đồng hồ bền đẹp.
Xem thêm: Nguyên nhân đồng hồ chạy nhanh, chậm
Hy vọng rằng, với chia sẻ trên của đồng hồ Duy Anh sẽ phần nào giúp ích cho các bạn đang có thói quen không tốt, sử dụng đồng hồ được tốt hơn; bởi “của bền tại người” cho nên biết cách giữ gìn, bảo quản thì không lo đồng hồ bị hỏng hóc phải không các bạn?